Bà mẹ Việt Nam anh Hùng mới được truy tặng

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 06-05-2015, 2172 Views

Chuyện người phụ nữ đã chết sau 62 năm (1953-2015) mới được chính quyền công nhận tên thật của mình thông qua việc truy tặng danh hiệu  Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở tỉnh Hưng Yên tháng 4 năm 2015  !

Trên quê hương làng Dung, xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên – Xã được Nhà nước phong tặng xã Anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Pháp có một bà mẹ sinh được 9 người con gồm 2 con gái (sinh đôi) và 7 người con trai – Bà An Thị Đan. Bà đã bị chết do đạn đại bác của của giặc Pháp bắn từ tàu chiến đi tuần trên sông Luộc lên xã Hưng Đạo làm cháy nhà cửa và phá hủy ruộng vườn của người dân 2 phía bờ sông. Bà đã bị một mảnh đạn đại bác cắm vào đầu làm bị thương nặng và bị cấm khẩu rồi chết ngay vào ngày 12/01/1953 (Âm lịch). Bà để lại người chồng yêu quý (ông Phạm Đỗ Kỹ) với 5 người con trai, người bé nhất mới được từ 4 đến 6 tháng tuổi. Lúc này người con trai cả (anh Phạm Văn Nghệ) của Bà là du kích đã hy sinh anh dũng trong một trận chống càn của giặc pháp ở ngay tại làng Dung khi ấy Anh mới chưa đầy 17 tuổi. Sau này cách mạng thành công, được  Nhà nước truy tặng là Liệt sỹ chống Pháp. Sau cái chết của người con trai cả, Bà như người phụ nữ bị điên và còn bị oằn lưng gánh chịu cái chết của 2 người con gái sinh đôi và người con trai thứ 2 bị chết đuối (anh Phạm Văn Giềng)  lúc đó mới lên 12-13 tuổi gì đó. Với cảnh gà trống nuôi 5 con trai cực kỳ vất vả và đơn côi, sau 8 năm trời khuất bóng bà, năm 1960 ông chồng dấu yêu của bà đã đi lấy một người phụ nữ khác quê ở Thái Bình về làm vợ kế (bà Vũ Thị Hà). Mong để được chăm sóc cho đàn con mau khôn lớn, nhưng không ngờ anh con trai thứ 5 (anh Phạm Văn Chiên – Tức Phạm Xuân Thanh) và anh con trai thứ 6 (anh Phạm Văn Nhích – Tức Phạm Hùng) đã tình nguyện xin đi bộ đội (giấu cha). Một ngày tiễn 2 con trai lên đường đi nhập ngũ, lòng ông bố đơn côi quặn đau khôn siết, nhưng vẫn ngậm ngùi chẳng thể giữ được những đứa con trai của mình ở lại với gia đình. Năm 1965 người con trai thứ 7- anh Phạm Văn Nhịch (tức Phạm Hồng Sơn)  được chọn đi học Kỹ thuật sửa chữa ô tô ở Trung Quốc, đến năm 1967 về nước được chuyển sang công nhân quốc phòng đóng tại Hà Nội. Anh đã hy sinh tại Hà Nội vào ngày 19/8/1967 được truy tặng Liệt sỹ chống Mỹ. Năm 1969, người con trai thứ 8- anh Phạm Văn Địch (tức Phạm Thanh Hải) tốt nghiệp cấp 3 Tiên Lữ, thi đỗ Đại học, được Nhà nước chọn đi học ở nước ngoài, nhưng anh lại xung phong đi bộ đội đặc công thủy thay cho em trai út là Phạm Văn Đạt (người con trai thứ 9) đang học lớp 10 niên khóa 1967-1970  được ở nhà học tiếp và thi đậu tốt nghiệp cấp 3 Tiên Lữ, Hải Hưng. Năm 1972, ông chồng của bà (ông Phạm Đỗ Kỹ) đã mất vào ngày 10/4/1972 (Âm lịch) sau đó 4-5 tháng thì anh con trai thứ 8 – anh Phạm Văn Địch đã hy sinh ở mặt trận phía Nam được truy tặng Liệt sỹ chống Mỹ. Năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gia đình bà lúc này chỉ còn lại người mẹ kế – bà Vũ Thị Hà với người con trai thứ 5 – anh Phạm Xuân Thanh (đã  xuất ngũ sang UBND tỉnh Sơn La công tác), người con trai thứ 6 – anh Phạm Văn Nhích (đã xuất ngũ phục viên về địa phương làm ruộng) và người con trai thứ 9 (anh Phạm Văn Đạt) đang đi du học ở nước CHDC- Đức (Đông Đức cũ). Gia đình bà được Nhà nước phong tặng và truy tặng nhiều huân chương, huy chương, tổ quốc ghi công, bảng vàng danh dự, giấy khen, bằng khen vì đã có nhiều đóng góp sức người, sức của cho 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Hôm nay là ngày 30 tháng 4 năm 2015. Cả nước tưng bừng kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, Nam Bắc một nhà, non sông thu về một mối. Thắng lợi nào cũng có hy sinh mất mát, niềm vui nào cũng chứa đựng buồn đau và nước mắt. Đất nước có hy sinh mất mát chung, gia đình có đau thương mất mát riêng. Cái chung của đất nước chứa đựng cái riêng của gia đình, chính cái chung, cái riêng ấy hoà quyện vào nhau, nâng đỡ cho nhau đã làm nên khúc khải hoàn ca của Dân tộc Việt Nam hơn bốn mươi năm qua. Nhân dịp này,  chính quyền tỉnh Hưng Yên đã tổ chức lễ truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho mẹ đẻ của chúng tôi là bà An Thị Đan. Đây là một sự đánh giá và ghi nhận công lao đóng góp sức người, sức của cả gia đình ông Phạm Đỗ Kỹ và bà An Thị Đan đã có 5 người con trai tham gia du kích và bộ đội chống Pháp và chống Mỹ, 3 người con đã hy sinh là liệt sỹ, 2 người bị phơi nhiễm chất độc da cam, không có con cái phải nuôi con nuôi. Năm 2015, bà An Thị Đan được  Nhà nước truy tặng danh hiệu: Bà Mẹ Việt Nam anh hùng như một sự tri ân cho những hi sinh, mất mát của người phụ nữ Việt Nam này. Và trong Giấy truy tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng năm 2015, lần đầu tiên sau 62 năm tên gọi thật của Bà: An Thị Đan  mới chính thức được xác lập và công nhận về mặt pháp lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

MeVN1

Danh hiệu cao quý của  Nhà nước dành cho những cống hiến, hi sinh của mẹ An Thị Đan trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dưng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam

Nguồn: Phạm Văn Đạt

Các bài viết khác :

    Ông Trưởng Ban Lễ tân mẫn cán

    ÔNG TRƯỞNG BAN LỄ TÂN MẪN CÁN (Viết về ông Phạm Nghị, nguyên Trưởng ban Lễ tân của HĐTQ họ Phạm ...

    Người lính làm việc họ

    NGƯỜI “LÍNH” LÀM VIỆC HỌ (Viết về anh Phạm Văn Dương, nguyên Phó chủ tịch Thường trực kiêm TTK HĐTQ họ ...

    Người con gái họ Phạm

    NGƯỜI CON GÁI HỌ PHẠM (Phỏng vấn chị Phạm Thị Loan Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Á)   ...

    Tìm địa chỉ người xưa

    ĐI TÌM ĐỊA CHỈ NGƯỜI XƯA Bài đã đăng trên “Nhân Dân hằng tháng” số 43 tháng 11 năm 2000 Quê ...

    Bốn phương họ Phạm

    HỌ PHẠM BỐN PHƯƠNG “Bốn phương họ Phạm đều là anh em” (Phạm Khắc Di) Trong Lễ Kỷ niệm 15 năm ...

    Page 1 of 712345...Last »