Ông Trưởng Ban Lễ tân mẫn cán

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 29-06-2016, 166751 Views

ÔNG TRƯỞNG BAN LỄ TÂN MẪN CÁN

(Viết về ông Phạm Nghị, nguyên Trưởng ban Lễ tân của HĐTQ họ Phạm Việt Nam)16.P Nghi

Có lẽ anh Phạm Nghị cũng như tôi thời làm việc nước chỉ cống hiến cho ngành Bưu điện (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông). Anh cũng có thâm niên làm công tác quần chúng. Anh đã từng làm Chủ tịch công đoàn của Bưu điện tỉnh Hà Nam Ninh, rồi Công đoàn cơ quan Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Anh sinh năm 1941 tại một vùng quê Nam Định, đó là thôn Tử Mạc, xã  Yên Trung, huyện Ý Yên. Anh là con thứ hai trong gia đình. Được bố mẹ cho ăn học đàng hoàng. Anh đã tốt nghiệp đại học năm 1971 tại trường Đại học Kỹ thuật thông tin liên lạc. Tốt nghiệp xong anh được điều về công tác tại  Bưu điện tỉnh Hà Nam Ninh, từng giữ các chức vụ: Trưởng phòng Điện chính, Chủ tịch Công Đoàn Bưu điện Hà Nam Ninh, rồi chuyển về Văn phòng Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam cho đến năm 2001 nghỉ chế độ. Anh cũng tham gia việc họ rất sớm từ năm 2003 đến hết khoá VI. Và xin nghỉ vì hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn.

Anh giữ kín không cho ai biết về hoàn cảnh gia đình anh. Người bạn đời của anh bị bệnh nặng hơn chục năm qua anh vẫn chăm sóc chị chu đáo. Bệnh tình chị ngày càng nặng nên năm nay anh xin nghỉ việc họ là có lý do chính đáng.

Vì là Ban lễ tân nên rất nhiều việc phải nhúng tay vào. Từ việc tháp tùng các vị trong thường trực đi dự các cuộc họp mặt, hội nghị đến các ngày hội họp, huý kị, v.v… của các tỉnh anh đều cùng đi. Nhưng vất vả nhất có lẽ là chủ trì các hội nghị lớn của BLL và HĐTQ. Tôi còn nhớ tại Lễ Vinh danh và Khuyến học lần thứ nhất tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Chiều hôm trước đến kiểm tra thì chữ trên panô lớn không đúng, yêu cầu họ sửa lại, mấy cậu thợ đến làm không dám quyết định, phải gọi cho chủ hợp đồng thì anh ta lại về quê. Đấu tranh mãi họ mới đồng ý mang về làm lại! Rồi Ban anh (chủ yếu là anh) lại kiêm luôn nhiệm vụ mua và lồng các bằng vinh danh vào khung kính, phải hì hục làm từ chiều hôm trước. Rồi còn đặt hoa cho Hội nghị, v.v…

Những lần giỗ Thượng thuỷ tổ ở Phạm tổ linh từ cũng vậy, phải vào hợp đồng với xã, lo dựng rạp, lo suất ăn trưa, cũng may mà mấy năm lại đây có lực lượng tuổi trẻ họ Phạm tham gia nên đỡ được nhiều việc

Mỗi năm một lần vào cuối năm đều có cuộc họp tổng  kết năm. Địa điểm họp thì lúc ở Hà Nội, lúc ở các tỉnh khác. Anh đều phải đi tiền trạm. Nếu ở Hà Nội thì anh phải chạy đi mượn Hội trường. Tôi chỉ đơn cử một ví dụ: cuộc họp cuối năm 2014. Ban đầu anh đã liên hệ được với Công ty Vinaphone của VNPT, sau đó họ có việc đột xuất báo lại là không được, lại phải gõ cửa mấy công ty khác, mãi cuối cùng mới mượn được hội trường của Công ty Viễn thông quốc tế (VTI). Khổ một nỗi mượn hội trường phải gắn với chỗ ăn trưa của đại biểu nên càng khó hơn. Khi chắc chắn đã có Hội trường lại phải thuê làm panô và khẩu hiệu, v.v… Trước ngày họp lại phải đến kiểm tra, có lần họ không làm đúng yêu cầu thiết kế phải sửa đi sửa lại rất mất công như trên tôi đã nói.

Cuộc họp nào cũng vậy anh là người đến sớm nhất để đốc thúc “quân” làm đủ mọi khâu cho buổi lễ, cho cuộc họp, và cũng là người về muộn nhất để thu dọn “chiến trường”, rồi còn lo thanh toán, còn lo cảm ơn đơn vị cho mượn hội trường, v.v… Hình ảnh anh quần xắn móng lợn mặc áo mưa chạy đi chạy lại trong Địa hội nhiệm kỳ VII vừa qua, rồi đưa các cụ đi ăn ở Nhà ăn phải qua con đường chật cứng xe cộ Trường Chinh. Anh chạy đi chạy lại dẫn hết toán nọ đến toán kia, tôi thấy rất thương anh những lúc như vậy.

Anh là một ủy viên thường trực gương mẫu, không có cuộc họp thường trực nào mà anh không tham gia. Tại các cuộc họp anh không hay phát biểu nhưng đã phát biểu thì là những ý kiến có trọng lượng. Ví dụ mỗi khi Thường trực bàn bổ sung nhân sự anh đều nói: ” Các anh chị nên nhớ kĩ một điều là dù là máy móc hay con người đều phải chạy “roda”, có nghĩa là phải có thực tế chứng minh cụ thể về việc làm của họ rồi hãy đưa vào Hội đồng, đừng chỉ nghe họ “chém gió” mà đưa vào thì dễ đưa ra thì khó”. Ý kiến của anh thật xác đáng, một số trường hợp chúng ta đưa vào Hội đồng chưa có kiểm chứng đều không như ta mong muốn ban đầu. Tôi phụ trách công tác cán bộ cứ nhớ mãi bài học “Chạy roda” của anh mà nhiều khi vẫn không thuộc bài. Đúng là có một số vị trí đưa vào rồi chẳng hoạt động gì cả mà đưa ra thì khó vô cùng!

Anh là mẫu người hết lòng vì việc họ, là một người có tinh thần trách nhiệm, tận tuỵ, cần mẫn dù gia đình có khó khăn đến mấy vẫn vì việc họ mà làm tròn tất cả những nhiệm vụ được giao! Anh là người cởi mở dễ gần nên được bà con ở các địa phương cũng như các anh chị trong Thường trực đều quý mến. Anh còn là một người chồng mẫu mực chăm nom vợ ốm hơn chục năm vẫn không hề ta thán điều gì. Năm 2009 anh đã được BLL họ Phạm Việt Nam tặng Bằng ghi công. Và năm nay (ngày 2/8/2015) tại Đại hội đại biểu nhiệm kỳ VII anh được tặng bằng Vinh danh bởi những đóng góp đáng kể của anh với phong trào họ Phạm ta trong cả nước. Tôi rất tự hào vì có những người cộng tác như thế, chính các anh đã đóng góp vào thành công của phong trào hoạt động dòng họ của chúng ta những năm qua.

Tp. HCM, ngày 25/09/2015

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác :

    Người lính làm việc họ

    NGƯỜI “LÍNH” LÀM VIỆC HỌ (Viết về anh Phạm Văn Dương, nguyên Phó chủ tịch Thường trực kiêm TTK HĐTQ họ ...

    Người con gái họ Phạm

    NGƯỜI CON GÁI HỌ PHẠM (Phỏng vấn chị Phạm Thị Loan Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Á)   ...

    Tìm địa chỉ người xưa

    ĐI TÌM ĐỊA CHỈ NGƯỜI XƯA Bài đã đăng trên “Nhân Dân hằng tháng” số 43 tháng 11 năm 2000 Quê ...

    Bốn phương họ Phạm

    HỌ PHẠM BỐN PHƯƠNG “Bốn phương họ Phạm đều là anh em” (Phạm Khắc Di) Trong Lễ Kỷ niệm 15 năm ...

    ĐÔI ĐIỀU VỀ CUỐN “Vì việc họ”

    ĐÔI ĐIỀU VỀ CUỐN “Vì việc họ”             Cuốn sách “vì việc họ” của nguyên Chủ tịch họ Phạm Việt Nam ...

    Page 1 of 712345...Last »