Người con gái họ Phạm

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 17-04-2016, 29143 Views

PTLoan

NGƯỜI CON GÁI HỌ PHẠM

(Phỏng vấn chị Phạm Thị Loan

Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Á)

 

Ngày 23/10/2011, BLL toàn quốc họ Phạm Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập BLL họ Phạm Việt Nam. Tại buổi Lễ long trọng đó, BLL họ Phạm Việt Nam đã vinh danh 15 vị có nhiều công lao đóng góp cho hoạt động họ Phạm. Người trẻ nhất (sinh năm 1962) và còn đang là ủy viên Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam – Phạm Thị Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Á, Đại biểu Quốc hội khóa XII vì bận đi làm từ thiện ở xa không về nhận được. Sau đấy tôi và chị Phạm Thị Thuý Lan, TBT Bản tin nội tộc Thông tin họ Phạm Việt Nam đến tận trụ sở Tập đoàn trao bằng vinh danh cho chị. Trong lần gặp ấy tôi có ý định viết một bài về chị, ban đầu chị khiêm tốn từ chối, sau tôi động viên mãi chị mới nhận và hẹn gặp vào chiều thứ hai ngày 07/11 đến văn phòng của chị thực hiện cuộc “phỏng vấn” mang tính chất anh em của những người đồng tông trong dòng họ Phạm. Sau đây là cuộc trò chuyện giữa chúng tôi:

Pha Lê: Có một nhà thơ đã viết, ký ức tuổi thơ theo ta suốt cuộc đời. Vậy ký ức nào của tuổi thơ đã theo chị đến tận bây giờ?

Chị Loan: Tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng thời thơ ấu của tôi lại diễn ra ở quê nội – xã Quỳnh Lôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Với tuổi thơ, ai mà chẳng có những ký ức không thể nào phai. Với  riêng tôi, đó là cảnh thanh bình, ấm áp tình làng nghĩa xóm của miền quê nghèo, nơi đã sinh ra tôi.

Đó là những ngày theo mẹ, theo bà nội lên rừng hái củi, xuống đầm mò cua bắt ốc, rồi còn cùng bà, mẹ  đi cấy, đi làm cỏ, và cả đi gặt nữa. Bà và mẹ thường chỉ bảo từng li từng tí cho tôi về việc đồng áng nhưng quan trọng hơn là thủ thỉ răn dạy tôi từng lời ăn tiếng nói, cách đối nhân xử thế thế nào cho phải đạo làm người.

Đó là những món ăn quê kiểng nay đã thành đặc sản: Món “bánh mướt” là một thứ bánh cuốn tráng mỏng bằng bột gạo không cho thêm bất cứ thứ gì, mỗi lớp bánh lại được bôi một lượt mỡ nên nó bóng mượt vì vậy gọi là “bánh mướt”, có lẽ còn ngon hơn cả bánh cuốn Thanh Trì, Hà Nội. Một món khác, món “Bún-giá-cá-ruốc”, đó là món ăn khoái khẩu: bún, giá với cá nướng chấm với mắm tôm (ruốc) rất đặc trưng. Món nộm “Lá Nhót” (rau sam biển)… rồi món “Bún chín” rất dẻo và ngon,…

Đó là lòng tự hào về quê hương, xã Quỳnh Lôi của tôi đã từng được vinh danh là làng văn hoá, xã anh hùng có truyền thống cách mạng bất khuất. Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh những năm 30 của thế kỷ trước, người dân quê tôi hăng hái tham gia vào cái vòng xoáy cách mạng ấy, bây giờ vẫn còn “vườn cây Xô viết”… Rồi vùng quê “Địa linh nhân kiệt” này cũng là cái “nôi” sinh ra các cụ “đồ Nho”, điển hình là cụ Hồ Tùng Mậu và những nhà thơ nổi tiếng như: bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, nhà thơ Hoàng Trung Thông, v.v… và rất nhiều người đỗ tiến sĩ và khoa bảng, trong số đó đã có nhiều vị được ghi tên trên các tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội.

Pha Lê: Thời gian đi học chị thích nhất môn nào? Và môn học ấy đã thành hành trang không thể thiếu được cho chị bước vào đời?

Chị Loan: Hồi bé tôi đã rất năng động, đã từng làm lớp trưởng, bí thư Chi đoàn thanh niên, v.v… hình như từ bé đã có năng khiếu “làm lãnh đạo” (chị cười vui vẻ), biết tập hợp người khác, biết “cầm đầu” các bạn. Còn môn tôi thích nhất là môn bơi lội. Tôi đã được các thầy từ miền Nam ra dạy rất bài bản, tôi đã học được các kiểu bơi như bơi ếch, bơi sải, bơi bướm và cả bơi ngửa. Tôi tiến bộ rất nhanh và đã từng tham gia nhiều cuộc thi. Tôi cũng đã đoạt nhiều giải thưởng bơi lội cấp tỉnh và cả nước. Môn bơi lội đã tạo cho người ta một tinh thần quyết thắng rất cao vì khi đã lao xuống nước thì chỉ có thể cố mà vượt lên trước nếu không sẽ bị chìm nghỉm, tự mình vươn lên không ai có thể giúp mình được. Môn bơi đã tạo cho ta ý chí vươn lên, tính quyết thắng trước hết là thắng chính mình để tới đích, để đạt được mục đích và hoài bão cuộc đời mình. Khi ra biển tôi không thích loanh quanh gần bờ mà bao giờ cũng bơi ra thật xa, ở nơi ấy hình như sóng biển lại dịu hiền hơn. Chỉ có lúc ấy mới cảm thấy sảng khoái giữa cảnh trời và biển mênh mông…. Cái ý chí quyết thắng ấy đã là hành trang quan trọng để tôi bươn chải trên thương trường khốc liệt hiện nay và cũng đã có những thành công nhất định.

Pha Lê: Được biết Tập đoàn của chị ăn nên làm ra, chị cũng đã làm từ thiện nhiều, xin chị cho biết quan niệm của chị về vấn đề này và có kỷ niệm nào sâu sắc trong những lần đi làm từ thiện đó không?

Chị Loan: Quan điểm của tôi về làm việc thiện hay những hoạt động từ thiện như trong nhà Phật đã dạy: “Làm việc thiện mà kể công thì chỉ tích được rất ít công đức, còn làm việc thiện mà không tính toán mưu cầu bất kì cái gì, không kể công mới được hưởng trọn vẹn cái  phúc ấy”. Phật đã dạy: Làm việc thiện phải đạt tới “Ba la mật”, nghĩa là bố thí vô tư không mưu cầu bất cứ mục đích cá nhân nào. Nhà Phật còn dạy: “Ủng vô sở trụ hành vi bố thí” nghĩa là từ thiện chính là vì thương chúng sinh, thương những người có hoàn cảnh éo le chứ không được căn cứ vào bất cứ một cái gì ngoài tình thương xuất phát tự đáy lòng mình.

Tôi cũng rất có tâm nhưng cũng còn chưa làm được nhiều việc thiện. Trước kia khi thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng nêu một trường hợp đáng thương nào đấy là tôi lại cử người đem tiền đến giúp và giấu tên. Chúng tôi cũng đã làm được một số nhà tình thương cho các gia đình đặc biệt khó khăn. Nhưng khi khánh thành tôi thường cử anh chị em trong cơ quan đi thay chứ không ra mặt đúng như lời Phật dạy.

Pha Lê: Trong bộn bề trăm công ngàn việc chị có bí quyết gì để hài hòa những chức năng cơ bản của mình: một vị Tổng giám đốc và một người mẹ, người vợ trong gia đình?

Chị Loan:Bí quyết” thì chẳng có “bí quyết” nào cả mà chỉ là các “nguyên tắc” hành xử mà thôi. Đó chính là “Rạch ròi”, “Khoa học” và “Học tập không ngừng”. Ở cơ quan phải biết “rạch ròi”, chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, của từng cá nhân. Người lãnh đạo phải biết “nghĩ” ra việc, biết “giao việc” đúng cho từng bộ phận và từng cá nhân. Rồi phải biết theo dõi việc thực hiện của từng bộ phận để kịp thời điều chỉnh “kế hoạch” đã vạch ra. Muốn vậy cần học tập không ngừng để biết việc và giao việc cho hợp lý. Khi về đến nhà với chức năng là người vợ và người mẹ lại vẫn phải “rạch ròi” không được mang việc của cơ quan về nhà, ngược lại không được đem việc nhà đến cơ quan. Ở nhà phải làm tốt chức năng một người vợ đảm đang biết chăm sóc chồng con, và người mẹ gương mẫu trong mọi công việc, mọi hành vi ứng xử để các con noi theo. Khi đến cơ quan lại phải là một người chỉ huy quyết đoán giải quyết công việc thấu tình đạt lý. Tôi xin nhắc lại muốn làm được như thế phải biết “rạch ròi” chức năng, công việc, phải biết xây dựng kế hoạch công tác một cách hết sức “khoa học” và quan trọng hơn vẫn là phải “học tập không ngừng” như Lênin đã dạy: “Học, học nữa, học mãi”.

Pha Lê: Xin hỏi chị câu cuối cùng: Chị quan niệm thế nào về việc họ và có những nhận xét gì về hoạt động của Ban liên lạc nay là Hội đồng họ Phạm Việt Nam?

Chị Loan: Trong giáo lý của đạo Phật dạy rằng: “Thân người khó được/ Phật pháp khó nghe”, ví như con rùa sau một trăm năm dưới biển ngẫu nhiên chui vào được một cái bọng cây rồi nổi lên mặt nước. Sinh mạng con người là hết sức quý giá, do một cơ duyên nào đấy mới được sinh ra trên cuộc đời này. Chính vì vậy phải biết trân trọng tính mạng của mình, phải biết cám ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và phúc ấm của tổ tiên. Vì vậy con người phải có trách nhiệm với gia đình, với dòng họ và rộng ra là cộng đồng dân tộc. Chúng ta làm việc họ chính là đạo lý ấy. Điều này cũng đã được nói rất rõ trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban liên lạc họ Phạm trước đây và bây giờ là Hội đồng họ Phạm Việt Nam. Nói dòng họ đây là dòng họ Phạm cả đất nước chứ không phải chỉ là họ Phạm của Quỳnh Lôi, Diễn Châu hay Thái Bình, Hưng Yên.

Trước đây tôi chưa biết có tổ chức này, tôi đã rất sung sướng và tự hào khi được biết trên toàn quốc có BLL họ Phạm, tôi đã xin tham gia ngay. Tôi rất ngưỡng mộ các bác trong Ban liên lạc hầu hết đều tuổi cao sức yếu mà vẫn hết lòng vì dòng họ. Các bác đã làm tốt khâu quảng bá các hoạt động dòng họ trên Bản tin nội tộc cũng như trang web của dòng họ. Các bác tổ chức được nhiều cuộc gặp mặt toàn quốc thu hút đông đảo bà con họ ta tham gia (như cuộc gặp mặt lần thứ XIII tại Ninh Bình năm 2010 có tới trên 1.500 bà con từ khắp đất nước về dự). Trong năm nay ở miền Bắc thì đã tổ chức thành công Lễ vinh danh nhân tài họ Phạm và ra mắt Quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngày 29/05/2011 rất hoành tráng và gây được tiếng vang lớn. Ở miền Nam đã tổ chức rất thành công Đêm nhạc họ Phạm “Mọi trái tim – Một tấm lòng” được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao, v.v…

Tuy vậy tôi vẫn cảm thấy trong hoạt động sắp tới của Hội đồng họ Phạm các cấp cần phát triển sâu rộng thêm đến tận các làng xã trong cả nước. Vì hiện còn rất nhiều bà con họ Phạm vẫn chưa biết có Hội đồng họ Phạm và cũng chưa nắm được các hoạt động của chúng ta.

Tôi hỏi chị những câu hỏi tưởng như chẳng liên quan gì đến nhau vì tôi muốn “giải mã” sự thành đạt của một người con gái họ Phạm đoan trang dịu dàng mà lại từ hai bàn tay trắng dựng nên một cơ nghiệp đồ sộ như thế này – đó là Tập đoàn kinh tế lớn Việt Á có 15  công ty thành viên và 6 nhà máy, tổng số cán bộ công nhân lên tới trên 2.000 người, kinh doanh trong các lĩnh vực thiết bị điện, cơ khí, nhựa…

Chị còn là một con người hết lòng vì dòng họ, chị đã cung tiến 2/3 kinh phí (300 triệu đồng) cho hạng mục các câu đối trong Đình Ngoại: phục chế và sơn son thếp vàng mà BLL họ Phạm Việt Nam đã xin được dâng lên Thượng thuỷ tổ Phạm Tu trong công trình “Tu bổ và tôn tạo đình thờ Đô Hồ Đại vương Phạm Tu” tại quê hương Người – xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Chị đã đích thân tuyển thợ và trực tiếp chỉ đạo thi công các hoành phi câu đối ấy.

Và tôi cũng đã “giải mã” được điều đó – đó chính là chị đã lớn lên trên vùng đất “Địa linh nhân kiệt” có truyền thống cách mạng; được gia đình chăm lo giáo dưỡng công phu; biết vạch cho mình một mục tiêu cho cuộc sống và quyết tâm bươn chải để đạt được mục tiêu đó. Đó chính là hành trang chị đã mang vào đời với triết lý của môn bơi lội mà chị yêu thích: Khi đã lao xuống nước thì phải quyết vươn lên, lao về phía trước, không có ai giúp mình cả, nếu không sẽ bị chìm nghỉm xuống nước và không bao giờ tới đích. Cũng như những nguyên tắc hành xử của chị: “Rạch ròi”, “Khoa học” và “Học tập không ngừng”. Tinh thần quyết thắng ấy trước hết là thắng chính mình đã là động lực cho chị đạt được những thành công đáng khâm phục hiện nay.

 

Hà Nội, đầu đông năm Tân Mão – 2011

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác :