Tìm địa chỉ người xưa

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 26-02-2016, 4726 Views

ĐI TÌM ĐỊA CHỈ NGƯỜI XƯA
Bài đã đăng trên “Nhân Dân hằng tháng”
số 43 tháng 11 năm 2000

Quê bà Phạm Thị, mẹ đẻ ra vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) ở đâu? Đó là vấn đề phức tạp, gây nhiều tranh cãi. Có sử gia cho rằng quê bà ở Hoa Lâm, tổng Cối Giang (Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội
Năm 1997, tôi với mấy người bạn già, cùng một nhà nho: cụ Tảo, hiệu Cao Sơn, đi vãng cảnh Tiêu sơn. Nơi có chùa Lục Tổ (hay còn gọi: Ứng Đại, Thiên Tâm, Tràng Liêu…). Nay gọi nôm là chùa Tiêu. Chùa Tiêu là một trong những trung tâm Phật giáo của nước ta từ xưa, thuộc hương Dịch Bảng, lộ Bắc Giang, nay là xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh
Chúng tôi nhìn thấy tấm bia đá “Lý gia Linh thạch”, dịch: “Đá thiêng về nhà Lý”. Bia có kích thước 40 x 60 x 18 (cm), được đặt trong nhà bia nhỏ trang nghiêm, dựng cạnh chùa Tiêu
Sau khi xoa phấn lên những hàng chữ nhỏ li ti, dán mắt vào bia, cụ Cao Sơn dịch cho chúng tôi nghe rành rọt: “Chùa Thiên Tâm, trụ trì tăng viện là sư Vạn Hạnh, người Cổ Pháp. Đặc biệt ở phía Đông , tả ngạn, bà Kim Phạm Mẫu, người Hoa Lâm, khi đèn nhang lên chùa thường thấy vị thần đứng cạnh cột chùa. Từ đấy bà ngẫm sự việc hiện nơi mặt đá, thường ngồi trên núi buổi đầu rất linh thiêng. Việc ngẫu nhiên thành người có thai sinh ra người con họ Lý”
Tôi cứ suy nghĩ mãi về quê bà Phạm Thị, “Giấy đá, Hán tự” đã rành rành ra rồi mà không sao hiểu cho chính xác. Mày mò mãi, thì ra, cha ông ta ngày xưa thật thông minh: chỉ vẻn vẹn có 14 chữ đầy bí ẩn: “Đặc biệt ở phía Đông, tả ngạn, bà Kim Phạm Mẫu, người Hoa Lâm” đã ghi quê bà chính xác tuyệt vời! Dòng địa chỉ này cốt nhắn gửi cho con cháu hàng nghìn, hàng vạn năm sau, cho dù “Nhật nguyệt chuyển vần” thì “phía Đông” vẫn là… “phía đông” – một cách định vị quá an toàn.
Lại nói, nhân dân vùng Tiêu, Tân Hồng, Từ Sơn, rộng ra là toàn vùng Tiên Sơn, Yên Phong, Gia Lâm, Đông Anh, Thuận Thành…khi gọi “bắc phần” là phần đất phía bắc sông Đuống; “nam phần” là phần đất phía nam sông Đuống.
Bây giờ, lấy chùa Thiên Tâm làm tâm điểm, phóng mắt về phía đông ta sẽ thấy quanh trục “Tia dài phía đông” ấy, hàng lô những làng mạc , chùa chiền: Càn Nguyên, Minh Châu, Phật Tích, Bút Tháp, chùa Dâu…Nhưng chùa Bút Tháp, chùa Dâu lại nằm bên hữu ngạn sông Đuống, nên không tính đến nữa. Vậy ta còn lại một “Tia ngắn phía đông” từ tả ngạn sông Đuống hắt về Thiên Tâm tự. Quê bà Phạm Thị sẽ nằm trên “tia ngắn phía đông” ấy. Muốn tìm được quê bà Phạm Thị chính xác hơn nữa, bia “Lý Gia Linh Thạch” lại còn 3 chữ: “Hoa Lâm nhân”. Đó là cái “Thước đo đất” các cụ để lại cho chúng ta, để “đo” đến quê bà Phạm Thị. “Hoa Lâm” chính là tên một vùng đất cách chùa Thiên Tâm 3km về phía đông.
Đến đây, 14 chữ trên bia “Lý Gia Linh Thạch”: “Đặc biệt ở phía Đông, tả ngạn, bà Kim Phạm Mẫu, người Hoa Lâm”, ta có thể hiểu như sau: mẹ vua Lý Công Uẩn là bà Phạm Thị. Quê bà ở phía đông chùa Thiên Tâm, tả ngạn sông Đuống, thuộc vùng đất Hoa Lâm (cách chùa Thiên Tâm 3km về phía đông).
Quay về Tra Lư tự (Minh Châu, Kẻ Gia Châu) thuộc thôn Dương Lôi, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, theo đúng chỉ dẫn của bia “Lý Gia Linh Thạch”. Chùa Tra Lư cách chùa Thiên Tâm khoảng 3km. Thật may mắn, chùa Tra Lư thờ Phật và thờ Thánh Mẫu Phạm Thị. Trên tấm bia “Tra Lư tự bi” dựng năm 1624, có ghi: “Chùa được sửa chữa lớn lần thứ hai, làm nơi thờ Phật và Thánh Mẫu Phạm Thị…”. Trên “Tra Lư tự chung” (chuông chùa Tra Lư), đúc năm 1825 viết “Dương Lôi là ấp Thang mộc của Thánh Mẫu Lý Triều… Đất đẹp Dương Lôi. Sản sinh nghiệp Lý. Chùa gọi Tra Lư. Một toà điện pháp. Dát ngọc tô vàng. Tự cổ lừng danh…”. Vùng đất Hoa Lâm, bia “Lý Gia Linh Thạch” có nói, cách chùa Tra Lư khoảng 300m, về phía đông, thuộc địạ phận thôn Dương Lôi
Điều đặc biệt nhất là tại Dương Lôi còn có một ngôi đền thờ bà Phạm Thị và tôn thất nhà Lý. Dân làng vẫn quen gọi là đền Đức Thánh Mẫu, được xây dựng đã hàng nghìn năm. Tương truyền sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, ông có về thăm dân làng và xây ngôi đền này để tưởng nhớ đến công lao sinh thành, dưỡng dục của mẹ mình.
Đền Thánh Mẫu ở đông, đông nam làng Dương Lôi, cách khu dân cư xóm Đường Sau khoảng 400m, cách đường cái Quan (đường từ chùa Tiêu đi chùa Phật Tích) khoảng 200m. Trên đường cái Quan, mấy năm trước,còn hai tấm bia đá ghi chữ “Hạ mã”, chôn ở hai đầu đường (đối diện với hai đầu đền Thánh Mẫu). Đền Thánh Mẫu xây theo lối “Nội vương, ngoại quốc”, ngoảnh mặt về hướng chùa Tiêu, trước đền có cổng tam quan rêu phong cổ kính. Toàn bộ diện tích mặt bằng của đền khoảng bốn mẫu Bắc bộ. Đồng ở khu vực đền Thánh Mẫu nay có tên là “Vệ Đền”.
Đền Thánh Mẫu đã bị thực dân Pháp đốt, phá huỷ vào năm 1952, đến năm 1960 chỉ còn lại nền gạch và trụ cổng đứng chơ vơ giữa đồng. Hiện nay chỉ còn lại tấm bia đá “Thiên Đài Thạch Trụ”, dựng vào năm sửa đền (tháng 8 năm 1705) và một bức đại tự ghi bốn chữ “Cổ Pháp triệu cơ”, dịch: “đất Cổ Pháp có nguồn gốc tại đây”. Mặt chữ “Thạch” trên bia “Thiên Đài Thạch Trụ” có ghi: “Cổ tích Lý Triều thiên thánh chính là Dương Lôi đất báu tối thiêng, dân có cầu tất ứng nghiệm ngay, phúc có xin ắt cảm thông liền, thánh gia ân xã tắc thái bình, thần ban phúc người vật yên vui”.
Những chứng tích hùng hồn ở Dương Lôi, nói lên đây chính là quê bà Phạm Thị.
Tại Dương Lôi, dòng họ Phạm ngày nay khá đông đúc, đến lập nghiệp ở đây đã hàng nghìn
năm, các gia đình trong họ Phạm, sinh sống trên đất xóm Cầu So, xóm hình thành đầu tiên ở làng Dương Lôi
Nhân dân Dương Lôi vô cùng tự hào làng mình “Diên Uẩn – hương vua”, có người Mẹ vĩ đại – Thánh Mẫu Phạm Thị, đã sản sinh cho đất nước một thiên tài trị quốc, một bậc Minh vương. Tên tuổi Người trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Năm 1997, dân làng Dương Lôi và khách thập phương đã bỏ công, sức, tiền, của…xây lên ngôi đền Thánh Mẫu mới, cạnh ngôi đền cũ, để tưởng nhớ đến bà Phạm Thị, người phụ nữ làng Dương Lôi đã đi vào Thiên niên sử.
PHẠM ĐĂNG KIE
Từ Sơn,
Tiết trọng đông năm 2000

Các bài viết khác :