Hoạt động việc họ – 2

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 24-04-2015, 2804 Views

PVDuong

HOẠT ĐỘNG VIỆC HỌ

CỦA HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM VIỆT NAM

(tiếp theo và hết)

Thời kỳ Hội đồng Họ Phạm Việt Nam

(từ 2011 đến nay)

Sau 15 năm thành lập, Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam đã phát triển toàn diện về hoạt động và có tổ chức sâu rộng trong phạm vi cả nước. Ngày 23/10/2011, Hội nghị lần thứ 2 Ban Liên lạc Toàn quốc họ Phạm Việt Nam khoá VI (mở rộng) đã tiến hành Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập, tổng kết chặng đường đã qua, rút ra các bài học kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động việc họ. Trên cơ sở thành tựu đã đạt được, Hội nghị quyết định đổi tên Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam thành Hội đồng Họ Phạm Việt Nam, thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Họ Phạm Việt Nam. Đây không chỉ là việc đổi tên mà là sự thay đổi về chất trong tổ chức và hoạt động việc họ. Theo Quy chế mới, Hội đồng họ Phạm Việt Nam được tổ chức chặt chẽ theo hệ thống ngành dọc 5 cấp:

  1. Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt nam
  2. Hội đồng họ Phạm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
  3. Hội đồng họ Phạm các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh
  4. Hội đồng họ Phạm các xã, phường, thị trấn
  5. Hội đồng Gia tộc các dòng họ trong các thôn, khu phố

Các dòng họ lớn cùng huyết thống cư trú trên địa bàn nhiều tỉnh , thành phố khác nhau thành lập Hội đồng Dòng họ trực thuộc Hội đồng Toàn quốc. Ngoài ra, Hội đồng Toàn quốc còn thành lập các tổ chức trực thuộc như Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phạm Việt nam, Câu lạc bộ Tuổi trẻ họ Phạm và các tổ chức khác.

Các vị lãnh đạo chủ chốt của các Hội đồng cấp dưới đều là Uỷ viên Hội đồng cấp trên, bảo đảm  công việc thống nhất và thông suốt.

Ban Liên lạc Toàn quốc Khóa VI được bổ sung, kiện toàn thành Hội đồng Toàn quốc Khóa VI gồm 90 Ủy viên. Bộ phận Thường trực có 13 vị:

–                     Chủ tịch Hội đồng: PGS, TS Phạm Đạo

–                     Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký: Đại tá Phạm Văn Dương

–                     Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Thông tin – Tư liệu, Tổng Biên tập Bản tin nội tộc: Nhà báo Phạm Thị Thúy Lan

–                     Hội đồng còn có các Phó Chủ tịch phụ trách Miền Nam, Miền Trung – Tây Nguyên, Khối Doanh nhân…

Ngay từ cuối năm 2011, các tổ chức việc họ nhanh chóng ổn định và phát triển theo mô hình mới. Hệ thống tổ chức theo ngành dọc đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống, thể hiện rõ nét nhất là việc hàng loạt tổ chức việc họ mới được thành lập hoặc củng cố trên nhiều địa phương khắp cả nước. Các Hội đồng Họ Phạm cấp tỉnh, thành phố phát huy vai trò nòng cốt tại địa phương trong việc tổ chức hoạt động việc họ và giúp đỡ các cấp dưới tổ chức Hội đồng. Cũng có địa phương ngược lại, từ điểm sáng phong trào việc họ ở một làng xã, tập hợp những người tâm huyết và có khả năng ở các địa phương lân cận, hình thành, nhân rộng thành Hội đồng cấp huyện, cấp tỉnh.

Trên cơ sở các Hội đồng họ Phạm địa phương vững mạnh, Hội đồng Toàn quốc có chủ trương chuyển mạnh hoạt động việc họ về địa phương, cơ sở. Hội đồng Toàn quốc không tổ chức các cuộc gặp mặt đại diện họ Phạm toàn quốc như 13 lần đã làm mà để các địa phương (tỉnh, huyện…) tổ chức gặp mặt bà con địa phương mình và mời đại diện các địa phương bạn về dự. Các cuộc găp mặt do HĐ Họ Phạm cấp tỉnh,huyện tổ chức luôn đầm ấm tình nghĩa đồng tộc, cũng thu hút từ dăm bảy trăm đến hàng ngàn người dự. Đặc biệt các hoạt động văn hóa – xã hội, khuyến học khuyến tài, công việc biên soạn tộc phả, kết nối dòng họ… cơ bản thực hiện từ các Hội đồng gia tộc và phát triển lên các Hội đồng cấp huyện, tỉnh và toàn quốc.

Hội đồng Toàn quốc, thông qua Trang tin điện tử, Bản tin nội tộc và các kênh liên lạc thường xuyên với các Hội đồng các cấp, giữ vai trò hướng dẫn, nắm tình hình hoạt động việc họ trong cả nước, đề ra các chủ trương trọng tâm việc họ từng thời kỳ, tuyên truyền cổ động, biểu dương phong trào… Hội đồng Toàn quốc (HĐTQ) duy trì định kỳ mỗi năm tổ chưc Hội nghị toàn thể 1 lần, mỗi quý hoặc khi có việc lớn cần bàn thì họp Thường trực. Mỗi kỳ họp, Thường trực HĐTQ đều tập trung bàn và quyết định từng vấn đề cốt yếu, đề ra chủ trương chung cho hoạt động việc họ cả nước. Các Thông báo của mỗi kỳ họp (đến cuối năm 2014 đã có 15 Thông báo của Thường trực HĐTQ khoá VI) coi như một bản Nghị quyết được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện (trang tin điện tử, bản tin nọi tộc, qua thư điện tử, nhiều địa phương còn in ra giấy để dễ phổ biến…), tạo nên sự thông nhất hoạt động của toàn hệ thống. Các cuộc Hội nghị HĐTQ hàng năm (đã có 5 kỳ Hội nghị HĐTQ Khóa VI) thực sự là sinh hoạt lớn của Họ Phạm cả nước, kiểm điểm việc họ năm qua và đề ra các trọng tâm việc họ năm tới, kiện toàn HĐTQ, đưa việc họ vào nề nếp, sôi động, thống nhất khắp từ Bắc đến Nam.

Về củng cố tổ chức, HĐTQ đã quy định thống nhất trong cả nước mẫu cờ, mẫu logo của Hội đồng Họ Phạm, mẫu con dấu của HĐ Họ Phạm các cấp. Bộ phận thường trực cùa HĐTQ duy trì hoạt động thường xuyên và có nề nếp. Các Ban chuyên trách của HĐTQ được bổ sung nhân sự, củng cố tổ chức và hoạt động có hiệu quả hơn. HĐTQ cũng biên soạn hoàn chỉnh và ban hành hàng loạt Quy chế tổ chức và hoạt động của các mặt việc họ như Bản tin nội tộc, Trang tin điện tử, Hoạt động văn hóa – xã hội, Ban Tộc phả và kết nối dòng họ, Ban Tài chính… Các HĐ Họ Phạm địa phương căn cứ theo Quy chế của HĐTQ, cũng biên soạn và ban hành các Quy chế phù hợp với địa phương mình.

Từ khi chuyển thành Hội đồng với hệ thống 5 cấp, hoạt động việc họ tiến lên một bước mới, mạnh mẽ, thống nhất, chính quy hơn và đi sâu vào các trọng tâm, được đông đảo bà con hưởng ứng, thể hiện trên các mặt sau:

  1. Hoạt động hướng về cội nguồn

HĐTQ Khóa VI chủ trương tổ chức hoành tráng các ngày Giỗ của Thượng Thủy tổ Phạm Tu hàng năm ( 20/7 âm lịch) là dịp tập hợp đông đủ bà con, thay cho các cuộc gặp mặt toàn quốc hàng năm trước đây (còn những vấn đề lớn cần bàn bạc, quyết định thì đã có các Kỳ họp của Thường trực hàng quý, các Hội nghị HĐTQ hàng năm và Đại hội đại biểu toàn quốc 5 năm một lần. Đại hội Nhiệm kỳ Khóa VII tiến hành trong năm 2015). Mặt khác, từ sau khi được suy tôn là Thượng Thủy tổ Họ Phạm Việt Nam và thông qua hàng loạt sách báo do HĐ họ Phạm biên soạn, phát hành, tuyên truyền sâu rộng, đông đảo nhân dân và dư luận ngày càng biết rõ hơn về công lao to lớn của người anh hùng dựng nước thế kỷ thứ VI. Giới sử học cũng có những nghiên cứu bước đầu về Danh nhân này. Đình Ngoại xã Thanh Liệt Thanh Trì Hà Nội, nơi thờ Ngài ngày càng có đông du khách đến thăm.Chính quyền xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì cũng tổ chức quy mô Lễ Giỗ Ngài, coi là một lễ hội lớn của địa phương. Đặc biệt, nhân dịp 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định chi 29 tỉ đồng để tôn tạo Di tích Lịch sử – Văn hóa này. HĐTQ Họ Phạm VN, nhân dân địa phương, bà con họ Phạm, các nhà doanh nhân, các nhà hảo tâm… cũng công đức hàng chục tỉ đồng nữa để xây dựng và mua sắm thêm đồ thờ cúng, hành phi, câu đối… Cuối năm 2011, công trình khánh thành, khang trang, bề thế, to đẹp gấp nhiều lần trước đây.Ngay chính điện treo trang trọng bức hoành phi “Phạm Tổ Linh từ”.

Trong 3 năm liên tiếp 2012, 2013, 2014, ngày Giỗ Đô hồ Đại Vương Phạm Tu 20/7 đã được HĐTQ Họ Phạm VN phối hợp với UBND xã Thanh Liệt tổ chức rất trọng thể tại Phạm Tổ Linh Từ, có từ 1000 đến 2000 người tham gia. Các Hội đồng họ Phạm các địa phương tổ chức cho bà con họ Phạm từ hàng chục tỉnh thành trong cả nước với trên 50 đoàn về dự, trong đó có nhiều đoàn họ Phạm từ các tỉnh thành xa như Hà Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Nam – Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh…

            Cùng với Hà Nội, tại khắp các địa phương trong cả nước như Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Nam- Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắc Lắc, Thừa Thiên Huế, Hà Giang… cũng tổ chức Lễ giỗ Thượng Thủy tổ kết hợp với các hoạt động khác như khuyến học khuyến tài. Nhiều Hội đồng gia tộc tổ chức Lễ rước Ngài về nhà thờ họ mình và luân phiên đăng cai Lễ Giỗ Thượng Thủy tổ do HĐ Họ Phạm tỉnh, huyện tổ chức. Cũng trong ngày giỗ tổ, HĐ họ Phạm tp. HCM có truyền thống  tổ chức đêm nhạc họ Phạm (đã tổ chức 3 lần) rất hoành tráng, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao…thu hút tới hàng ngàn người tham gia và có tiếng vang trong dư luận, đồng thời vận động cho quỹ khuyến học và từ thiện của HĐ.

Ngoài Thượng thủy tổ Phạm Tu, một số Hội đồng họ Phạm địa phương còn suy tôn các vị Tiên tổ khác làm biếu tượng cùa họ Phạm địa phương mình, tổ chức các ngày giỗ, ngày kỷ niệm… tại Đền thờ các Ngài ấy để tập hợp đông đảo bà con làm việc họ, có tác dụng rất lớn. Điển hình như ở Uông Bí có đền thờ Ngài Phạm Chấu, một tướng của Trần Hưng Đạo có công trong chiến thắng Bạch Đằng; ở  Bắc Giang có đền thờ Phạm Văn Liêu, khai quốc công thần nhà Lê, có công trong chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang; ở Bắc Ninh có đền thờ Thánh mẫu Phạm Thị Ngà, thân mẫu vua Lý Thái Tổ; ở Hưng Yên có đền Mây thờ Phạm Bạch Hổ, khai quốc công thần nhà Đinh; ở Ninh Bình có đền thờ Phạm Cự Lượng, khai quốc công thần nhà Đinh, Tiền Lê; ở Hải Phòng có đền thờ Phạm Đình Trọng, một danh nhân thời Lê – Trịnh; ở Hải Dương có đền thờ  Phạm Chiêm, công thần thời Hậu Ngô vương; ở Nam Định có Đền Tân Từ thờ Phạm Ngũ Lão, danh tướng đời Trần, ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có đình An Vĩnh thờ Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh và các vị tiên tổ có công thực hiện chủ quyền VN tại Hoàng Sa v.v… Nhân dịp Lễ Khao lề tế lính Hoàng Sa năm 2013, HĐTQ đã cử đoàn đại biểu họ Phạm đến dự và cung tiến vào đình An Vĩnh đôi câu đối khảm xà cừ: “Hoàng Sa vạn đại lưu thần tích – Đại Việt thiên thu khắc chiến công”, đến thăm và dâng câu đối tại khu mộ ngài Phạm Hữu Nhật mới được xây dựng lại khang trang.

Các HĐGT đặc biệt coi trọng việc tìm hiếu cội nguồn, biên soạn Gia phả, tu tạo nhà thờ họ, mồ mả tổ tiên… Các ngày giỗ kỵ được tổ chức trọng thể, thiêng liêng, ấm cúng tình họ hàng, là dịp quy tụ con cháu xa gần họp mặt, phát huy truyền thống tổ tiên, cùng nhau giáo dục thế hệ mai sau… Một số Hội đồng ho Phạm địa phương đã chủ động cùng với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, huy động các nhà tài trợ và nhân dân địa phương  đóng góp, tổ chức tu bổ các di tích lịch sử – văn hóa là nơi thờ các Danh nhân họ Phạm ở địa phương mình được khang trang, to đẹp, điển hình như Nhà thờ Danh tướng Phạm Văn Liêu ở Bắc Giang…

2. Hoạt động Văn hóa – Xã hội

HĐTQ họ Phạm VN có Quy chế hoạt động văn hóa – xã hội để cập nhiều mặt hoạt động như khuyến học, khuyến tài, vinh danh những người họ Phạm có đóng góp to lớn cho đất nước, cho xã hội, có công với dòng họ. Các hoạt động tình nghĩa như mừng thọ, thăm hỏi các thành viên khi ốm đau, phúng viếng người quá cố, trợ giúp các gia đình, cá nhân gặp khó khăn đặc biệt…

Hàng năm, HĐTQ tổ chức Vinh danh những người họ Phạm có thành tích xuất sắc được Nhà nước phong tặng các Danh  hiệu và Giải thưởng cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Danh hiệu Anh hùng, Nhà giáo Nhân dân, Ưu tú, Thày thuốc Nhân dân, Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, Ưu tú, học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư… , các vận động viên thành tích cao, các doanh nhân tiêu biểu…, hoặc những người họ Phạm được các tổ chức quốc tế có uy tín trao tặng các huân huy chương và danh hiệu cao quý trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. HĐTQ cũng tuyên dương, trao Giải thưởng khuyến học cho các cháu học sinh có bố hoặc mẹ họ Phạm có thành tích học tập xuất sắc như đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc tế và trong nước, thi đại học đỗ thủ khoa; trao học bổng cho các cháu nhà nghèo vượt khó vươn lên học giỏi; trợ giúp các cháu gặp khó khăn… Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá cao hoạt động khuyến học khuyến tài của HĐTQ Họ Phạm VN, đã nhiều năm tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp khuyến học cho hàng chục thành viên của Hội đồng.

Ở các địa phương, mỗi Hội đồng gia tộc đều có Ban khuyến học động viên các cháu chăm ngoan học giỏi trong dòng họ mình. Phần thưởng có thể đơn sơ nhưng được trao long trọng tại nhà thờ họ, nhất là nơi thờ các vị tiên tổ đỗ đạt cao, đã ghi đậm dấu ấn thiêng liêng trong tâm hồn trong trắng của các cháu để nhớ mãi và phấn đấu.. Các HĐ họ Phạm các cấp trên có quy định phân loại theo thành tích học tập của các cháu để tố chức các buổi Lễ khuyến học qui mô cấp huyện, cấp tỉnh. Các HĐ Họ Phạm còn tổ chức  trao quà trung thu cho các gia đình và các cháu học sinh diện chính sách,  tổ chức mừng thọ, thăm hỏi …

Hoạt động khuyến học, khuyến tài và các hoạt động xã hội khác luôn được chính quyền, các ban ngành, đoàn thể ủng hộ. Nhiều HĐ họ Phạm đã có quan hệ chặt chẽ với địa phương nên phong trào phát triển vững chắc và được bà con hoan nghênh. Nhiều HĐGT được tặng cờ Dòng họ hiếu học, nhiều HĐ Họ Phạm địa phương được chính quyền tỉnh, huyện khen thưởng.

 

3. Công tác thông tin – tư liệu:

HĐTQ đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ biên soạn lại bộ sách “Họ Phạm trong cộng đồng dân Việt”  thành nhiều tập, với nội dung rộng lớn nhiều mặt, khối lượng thông tin phong phú, đã xuất bản chính thức nhằm tuyên truyền rộng rãi về một dòng họ lớn chiếm 7% dân số, có truyền thống tốt đẹp, có nhiều đóng góp to lớn trong lịch sử dân tộc. Bộ sách cũng là tài liệu tra cứu bổ ích về họ Phạm Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm qua. Bộ sách tập trung vào 3 nội dung lớn:

Tập I: Tổng quan về Họ Phạm Việt Nam trong lịch sử dân tộc. Hoạt động việc họ của Hội đồng họ Phạm Việt Nam

Tập II: Những nhân vật Lịch sử – Văn hóa họ Phạm từ xưa đến nay.

Tập III: Giới thiệu một số dòng họ Phạm Việt Nam.

HĐTQ đặc biệt quan tâm việc duy trì và nâng cấp 2 công cụ tuyên truyền quảng  bá của HĐTQ là Trang tin điện tử và Bản tin nội tộc, xác định đó là nhiệm vụ thường xuyên, chủ yêú của HĐTQ, đã đầu tư nhiều công sức, trí tuệ làm cho 2 “tờ báo” này không ngừng được cải tiến. Trang tin điện tử của HĐTQ thường xuyên được nâng cấp, giao diện thuận tiện, tin bài, hình ảnh đẹp, âm thanh tốt, phản ánh mọi mặt hoạt động việc họ cả nước, được cập nhật thường xuyên, thu hút hàng triệu người đọc. Bản tin nội  tộc ra đều đặn mỗi quý một số, đến nay đã ra số 51, không ngừng nâng cao cả về nội dung và hình thức, tăng số trang, số bài và số lượng phát hành (1000 cuốn mỗi số), được bà con rất ưa thích.

Hai “tờ báo” thực sự trở thành công cụ hữu hiệu tập hợp bà con cả nước làm việc họ và là “cơ quan ngôn luận” của Hội đồng họ Phạm VN, là kênh liên lạc thường xuyên, phổ biến mọi chủ trương hoạt động việc họ của HĐTQ đến đông đảo các Hội đồng Họ Phạm các địa phương và bà con, phản ánh mọi hoạt động trên cả nước. Nhiều bà con họ Phạm ở khắp nơi, nhờ đọc 2 “tờ báo” này mà biết đến hoạt động của Hội đồng họ Phạm VN, từ đó tập hợp nhau lại hình thành tổ chức làm việc họ. Hai “tờ báo” này cũng cung cấp được nhiều thông tin có giá trị về các dòng họ Phạm được nhiều người đọc quan tâm tìm về cội nguồn.Các thông tin về họ Phạm với đất nước đựơc cả những người quan tâm đến lịch sử tìm đọc. Các gương người tốt việc tốt, tin hoạt động việc họ sôi nổi ở khắp mọi miền đất nước có sức cổ vũ mọi người nhiệt tình làm việc họ.Từ khi thành lập Câu lạc bộ Thơ luật Đường họ Phạm VN ngày 19/01/2012, trên 2  “tờ báo” có chuyên mục Thơ văn đều đặn làm món ăn tinh thần, làm cho nội dung thêm phong phú, hấp dẫn người đọc. Nhiều người xa gần qua đọc thơ văn mà đến với việc họ.

Một số Hội đồng Họ Phạm các địa phương như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Miền Trung – Tây Nguyên cũng có Trang tin điện tử riêng cùa mình.Nhiều HĐ Họ Phạm cấp tỉnh, thành phố còn xuất bản một số tài liệu, sách báo về dòng họ và hoạt động việc họ.

*

*    *

Họ Phạm là một dòng họ lớn, có số người đông vào hàng thứ tư trong hàng trăm dòng ở Việt Nam (sau họ Nguyễn, Trần, Lê).Hội đồng họ Phạm VN là một trong các tổ chức dòng họ thành lập vào hàng sớm nhất ở nước ta. Gần 20 năm qua, Hội đồng Họ Phạm VN đã không ngừng lớn mạnh về tổ chức, phong phú, hiệu quả về hoạt động, thu hút đông đảo bà con họ Phạm cả trong và ngoài nước cùng hướng về cội nguồn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của dòng họ, đoàn kết thương yêu nhau trong tình đồng tộc, cùng nhau chăm lo thế hệ mai sau. Sự hưởng ứng nhiệt liệt của đông đảo bà con vào các hoạt động do Hội đồng tổ chức thể hiện sức sống to lớn của một phong trào khi đã thấm sâu vào quần chứng, đáp ứng đúng nguyện vọng của quần chúng. Đó cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta nói chung, của những người họ Phạm Việt Nam nói riêng. Nét đẹp đó sẽ còn tiếp tục phát huy và trường tồn cùng dân tộc.

 

PHẠM VĂN DƯƠNG

                                                            Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký

                                                    Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam

 

Các bài viết khác :