PHẠM GIA VINH – chàng trai 8X chế tạo thành công phi thuyền vào không gian

Người đăng: Admin, Ngày đăng: 24-07-2015, 62459 Views

Từ đam mê bay tột bậc

Sinh năm 1983, thuở 9-10 tuổi Phạm Gia Vinh với nhiều thích thú, tò mò về máy bay mô hình và các đồ điện tử, Vinh “phá hoại” khá nhiều đồ dùng ở trong nhà. Cũng vì am hiểu và say mê chế tạo mô hình điện tử nên ở lớp, Vinh được thầy cô, bạn bè gọi với cái tên trìu mến “chàng phù thủy điện tử”.

Tốt nghiệp cấp 3, Vinh sang Pháp theo đuổi ngành Điện, Điện tử công nghiệp – Điều khiển tự động. Tại đây, Vinh say mê nghiên cứu, tìm tòi về máy bay không người lái, dù hồi ấy công nghệ này còn khá mới. Anh chàng học viết phần mềm, làm phần cứng đến mua công nghệ nước ngoài để chế tạo máy bay không người lái.

Tốt nghiệp năm 2008 với thành tích học tập xuất sắc, chàng Chủ tịch Hội du học sinh Việt Nam tại thành phố Rennes (Pháp) nhận được nhiều lời mời làm việc hấp dẫn ở Pháp và một số nước châu Âu nhưng vẫn quyết định về Việt Nam để thực hiện ước mơ tự nghiên cứu và chế tạo máy bay không người lái.  Anh thành lập Công ty CP Nghiên cứu & Phát triển Đông Giang Việt Nam (2009) – một trong số ít công ty chuyên về nghiên cứu và sản xuất máy bay không người lái ở Việt Nam.

vinh240315a-594fePhạm Gia Vinh thường xuyên cập nhật những công nghệ mới của thế giới về máy bay không người lái.

Vinh bắt tay phát triển các loại máy bay và khí cụ bay không người lái. Những sản phẩm đầu tiên là máy bay không người lái tự động và bán tự động (M94, M96) phục vụ huấn luyện phòng không.

Ý tưởng chế tạo một thiết bị có thể bay được ở trần cao gấp 3 đến 5 lần máy bay thông thường hình thành vào khoảng tháng 2/2014. Chỉ trong hơn nửa năm, anh cùng các cộng sự của mình đã hiện thực hóa  ý tưởng, cho ra đời chiếc “phi thuyền” không gian được giới chuyên gia đánh giá là bước tiến vượt bậc, mở ra cơ hội to lớn cho ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam còn non trẻ.

Sau khi trình bày với một khách hàng tiềm năng, họ đã sẵn sàng mở thầu công khai. Công ty Đông Giang của Phạm Gia Vinh đã giành được hợp đồng sản xuất và bay thử.

Dù biết thế giới đã có sản phẩm tương tự, Vinh vẫn quyết cho ra đời thiết bị bay made in Vietnam. Điểm khác biệt của khí cụ bay do Đông Giang chế tạo là khả năng thu hồi chính xác thiết bị sau khi hoàn thành thử nghiệm, tránh thất lạc và giảm chi phí tìm kiếm, thu hồi, giữ an toàn cho các dụng cụ đo đạc đắt tiền lắp đặt bên trong.

DCIM100GOPROPhạm Gia Vinh (điều khiển laptop) và các nhà khoa học Ấn Độ trong lần bay thử nghiệm tại Ấn Độ .

Quan sát trái đất từ độ cao 23 km

Trong nửa năm, Phạm Gia Vinh cùng các cộng sự chế tạo thành công loại khí cụ có trọng lượng 600 kg, với trần từ 30 đến 50 km, thời gian bay một tuần.

Hiện trên thế giới mới có một số quốc gia sở hữu công nghệ phát triển các khí cụ có trần bay trên 30 km như Mỹ, Pháp, Nhật, Tây Ban Nha, Ấn Độ… Nếu Việt Nam có thể sản xuất các thiết bị bay không người lái có trần trên 30 km là một bước tiến không nhỏ trong nghiên cứu về khoa học hàng không vũ trụ.

Những ngày đầu năm, Vinh âm thầm mang sản phẩm ra nước ngoài bay thử. Anh phối hợp với một công ty công nghệ của Singapore, trường đại học và viện nghiên cứu của nước nước này tiến hành thử nghiệm.

Anh còn kết hợp với bệnh viện ở Singapore thí nghiệm trên chuột bạch nhằm kiểm tra biến đổi ở cấp độ tế bào trên môi trường cận vũ trụ (near space) để bào chế thuốc. “Trong lần bay thử này, chúng tôi đã kết hợp với trung tâm nghiên cứu của nước bạn, đưa 3 con chuột lên thí nghiệm”, Vinh cho biết.

20150309-chang-trai-viet-che-tao-thanh-cong-phi-thuyen-vao-khong-gian-4Phạm Gia Vinh (bên phải) bên thiết bị của mình tại Singapore.

Lần thử nghiệm đầu tiên, sản phẩm của Vinh đã đạt 80% yêu cầu và được các đối tác đánh giá rất cao. Trong đó, trần bay của thiết bị này đạt được 23 km với bán kính 150 km trong 7 giờ. Độ cao này đã vượt xa tầm hoạt động của các máy bay dân dụng đang có trên thị trường thế giới. Trong vài tuần tới, sẽ tiếp tục thử tầm bay cao hơn với mục tiêu vượt qua mức 30 km.

Ưu điểm lớn nhất trong sản phẩm của Vinh là việc kiểm soát được vị trí hạ cánh của khoang đổ bộ. Chính điều này đã khiến cho công ty của anh giành chiến thắng trong các dự án đấu thầu quốc tế. Nếu như các sản phẩm cùng loại của một số công ty khác trên thế giới thu hồi bằng cách sử dụng dù hỗ trợ thì sáng chế của anh có thể thu hồi khoang đổ bộ tương đối chính xác.

image-1426006042-may-bay-khong-nguoi-lai-2Sản phẩm của Phạm Gia Vinh

“Chúng tôi có thể điều khiển thiết bị hạ cánh trong phạm vi 50–80 km với sai số dưới 50 m. Vì vậy, khoang đổ bộ hạ xuống đất không ảnh hưởng người, nhà và các công trình dưới mặt đất, cũng như thu hồi các thiết bị nghiên cứu đắt tiền”, anh giải thích về tính năng mới này.

Cơ hội to lớn cho ngành công nghệ vũ trụ

Theo Phạm Gia Vinh, thiết bị bay này có thể sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực, từ phục vụ an ninh quốc phòng đến các mục đích dân sự, nghiên cứu khoa học. Với tầm bay từ 30 đến 50 km, nó cho phép thực hiện các thí nghiệm y học, môi trường, nghiên cứu khí quyển cao của Trái đất. Từ độ cao đó, thiết bị bay gửi dữ liệu, ảnh đa phổ trực tiếp về hiện trường. Các nhà khoa học có thể tìm hiểu nguồn nước, độ phủ xanh của đất, quan sát được mầm bệnh của cây trồng. Sản phẩm cũng có thể mang dụng cụ quan sát, nghiên cứu tia vũ trụ, kiểm nghiệm thiết bị vệ tinh (camera, ăng ten, radar v.v.) trước khi tích hợp và đưa ra ngoài không gian.

Ở độ cao khoảng 30 km, nó sẽ giúp các nhà khoa học dễ dàng quan sát, nghiên cứu sự hình thành, đường đi của các cơn bão. Ở lĩnh vực an ninh thông tin, khi vệ tinh hỏng có thể sử dụng khí cụ bay như một trạm thu, phát sóng trong một tuần.

Ngoài ra, thiết bị bay có thể mang camera chụp ảnh có độ phân giải cao truyền về Trái đất. Một bức ảnh chụp góc rộng có thể phủ diện tích 50 x 50 km, tương đương diện tích của TP HCM và các tỉnh lân cận. Bức ảnh góc hẹp chụp với độ phân giải cao giúp thể hiện chi tiết dưới 10 cm. “Chụp từ độ cao này có thể quan sát được chiếc giày ai đó bỏ quên ngoài đường”, Phạm Gia Vinh tự tin.

Trong lần thử nghiệm vừa qua ở độ cao 23 km, thiết bị bay đã giúp Vinh có thể nhìn thấy vành cong của Trái Đất, thấy ranh giới giữa phần tối của vũ vụ và vành trái đất sáng. Vinh đã xem những bức ảnh có độ phân giải cao đã mắt. “Trước đây, tôi chỉ được xem những hình ảnh đó qua tivi hay trên mạng. Hạnh phúc, sung sướng không lời nào diễn tả được”, Phạm Gia Vinh chia sẻ.

Ước mong được sử dụng ở Việt Nam

Chàng giám đốc trẻ đang kỳ vọng vào lần bay thử nghiệm thứ 3 dự kiến vào tháng 4 tới ở Việt Nam để trình diễn công nghệ và chứng minh các với nước trong khu vực là hiện tại chúng ta đã hoàn toàn làm chủ được về mặt công nghệ, trước khi tiến hành thử nghiệm lần thứ 4 vào giữa tháng 5 ở Australia.

 Vị giám đốc trẻ khẳng định, sáng chế của anh có chi phí rẻ hơn nhiều máy bay và vệ tinh nên phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam.

“Công nghệ này, tôi nghĩ chúng ta cần phải có. Đó cũng là lý do tôi quyết tâm về nước. Nếu được triển khai trong thực tế thì Việt Nam sẽ là nước đầu tiên ở Đông Nam Á áp dụng”.

Vị giám đốc trẻ tài năng cũng bày tỏ mong muốn sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng, các tập đoàn công nghệ ở Việt Nam để phát triển các sản phẩm bay phục vụ cho quân sự và dân sinh./.

Hồng Anh

Nguồn:  dantri.com.vn

Các bài viết khác :